1. Lịch sử hình thành
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 24/8/1945, UBND lâm thời được thành lập, đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh lâm thời cũng ra đời. Thời kỳ đầu, bộ máy Văn phòng UBND tỉnh lâm thời chỉ có cán bộ tổng hợp, văn thư, giao thông liên lạc, bảo vệ, hành chính và 2 phòng ngân sách, tổ chức. Đến năm 1947, Văn phòng được tăng cường thêm một số cán bộ và hình thành thêm một số phòng mới. Thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cơ quan Văn phòng phải sơ tán về vùng nông thôn để đảm bảo an toàn. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, dù phải thay đổi địa điểm liên tục nhưng cán bộ công nhân viên Văn phòng luôn cố gắng hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chủ yếu lúc bấy giờ là: Theo dõi tổng hợp tình hình các ngành, các địa phương, tham mưu giúp Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh điều hành tổ chức phương pháp làm việc phù hợp với điều kiện toàn quốc kháng chiến, phục vụ hậu cần, đảm bảo các điều kiện làm việc cho các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đội ngũ cán bộ, viên chức Văn phòng trở về thành phố Vinh, ổn định nơi làm việc và bắt tay ngay vào công việc của giai đoạn cách mạng mới: xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà. Cùng với miền Bắc, Nhân dân Nghệ An phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của đế quốc Mỹ. Nhiệm vụ của Văn phòng lúc này là theo dõi, đôn đốc công tác phòng không nhân dân, chuẩn bị sơ tán các cơ quan, xí nghiệp, trường học, Nhân dân ra khỏi những nơi thường xuyên bị địch đánh phá. Ở những nơi sơ tán, Văn phòng luôn thực hiện khẩu hiệu “Đi dân nhớ, ở dân thương”.
Năm1976, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, cùng với đó Văn phòng UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng được hợp nhất thành Văn phòng UBND tỉnh Nghệ Tĩnh.
Đến ngày 12/8/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh được tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ Tĩnh được tách ra thành Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh và hoạt động cho đến nay.
Ngày 8/11/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2005/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập mới và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy. Theo Nghị định này, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều hòa, phối hợp các hoạt động chung của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động ở địa phương; bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Qua hơn 76 năm xây dựng và trưởng thành, Văn phòng UBND tỉnh đã nhiều lần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình mới và được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý (Huân chương Lao động hạng nNhì năm 1996, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2011, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014) xứng đáng là cơ quan tham mưu, giúp việc phục vụ trực tiếp chính quyền cấp tỉnh trong sự nghiệp xây dựng Nghệ An giàu mạnh, văn minh, phát triển.
2. Cơ cấu tổ chức
- Văn phòng UBND tỉnh gồm có Chánh Văn phòng và 4 Phó Chánh Văn phòng
- Có 10 phòng, ban bao gồm:
+ Phòng Tổng hợp
+ Phòng Nội chính
+ Phòng Kinh tế
+ Phòng Khoa giáo - Văn xã
+ Phòng Công nghiệp
|
+ Phòng Nông nghiệp
+ Phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính
+ Phòng Hành chính - Tổ chức
+ Phòng Quản trị - Tài vụ
+ Ban Tiếp công dân tỉnh
|
- Có 4 đơn vị trực thuộc bao gồm:
+ Trung tâm Phục vụ hành chính công
+ Trung tâm Tin học - Công báo
+ Cổng Thông tin điện tử
+ Nhà khách Nghệ An
|