Hội nghị trực tuyến về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện nội địa
Sáng 14/10, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến
toàn quốc về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển
bằng phương tiện nội địa. Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh điểm cầu Nghệ An
Vận tải thủy sẽ là lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc gia
Phát biểu khai mạc hội
nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)
Nguyễn Văn Thể đánh giá: Vận tải đường thuỷ nội địa có vai trò rất quan trọng
trong ngành giao thông vận tải. Nước ta có đường biển dài, điều kiện khí hậu thuận
lợi cho vận tải thuỷ ven bờ để vận tải hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại,
giúp chi phí vận tải giảm, vận chuyển được khối lượng lớn, hạn chế được các tai
nạn giao thông trên đường bộ.
Ở khu vực phía Nam có hệ thống sông Tiền,
sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai. Trong thời gian vừa qua vận tải thuỷ phát
triển rất tốt, có khoảng 70% hàng hoá, nhất là hàng hoá không cần vận chuyển
nhanh thì đều được vận chuyển qua đường thuỷ, như sắt, đá, xi măng,
thép... Ở khu vực miền Bắc có hệ thống sông Hồng và các sông kết nối với sông Hồng
rất thuận lợi để phát triển vận tải thủy. Trong 10 năm gần đây, Bộ GTVT luôn thực
hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế chính
sách tạo điều kiện để thành lập các doanh nghiệp tổ chức vận tải thủy. Lĩnh vực
đường thủy nội địa trong 10 năm gần đây có bước tiến mạnh mẽ. Vào khoảng năm 2011,
cả nước chỉ có 300 phương tiện vận tải thuỷ ven bờ với tải trọng bình quân 5.000
tấn/phương tiện. Đến cuối năm 2020, cả nước có 1.800 phương tiện thuỷ vận tải
ven bờ, trong đó tải trọng phương tiện cao nhất là 23.000 tấn.
Thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã ban hành 5
quy hoạch ngành GTVT gồm đường bộ, đường thuỷ nội địa, cảng biển, đường sắt, đường
hàng không. Bộ GTVT cũng đã so sánh lợi thế giữa các lĩnh vực vận tải, từ đó xác
định vận tải thuỷ trong thời gian tới sẽ là lĩnh vực vận tải trọng điểm của quốc
gia. Ngoài việc trung chuyển hàng hoá giữa các địa phương ra các cảng, vận tải
thuỷ còn tạo điều kiện kết nối các cảng ven bờ.
Báo cáo tại
hội nghị, Cục Đường thủy nội địa cho biết: Trong những
năm gần đây, việc vận tải hàng hóa bằng phương tiện VR-SB trên tuyến vận tải đường
thủy ven bờ biển đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực trong việc tăng thị
phần vận tải đường thủy, ven biển và góp phần giảm tải áp lực cho giao thông đường
bộ. Theo số liệu tổng hợp từ các Cảng vụ Đường thủy nội địa và Cảng vụ hàng hải,
từ đầu năm 2021 đến nay, vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa đạt hơn
33.000 lượt phương tiện thông qua cảng, bến, (giảm 28,8% với khối lượng hàng
hóa là hơn 45 triệu tấn), tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng
hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB năm 2021 đã tăng gấp 9 lần so với
năm 2015 (năm đầu mở tuyến).
Tính chung năm
2020, vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 227 triệu lượt khách, giảm 1,3%
và 3,7 tỷ lượt khách.km, giảm 17,7%; so với toàn ngành, thị phần đường thủy nội
địa chiếm 6,4% về vận chuyển hành khách và 2,3% về luân chuyển hành khách. Vận tải hàng
hóa đường thủy nội địa đạt 337 triệu tấn, giảm 9,6% và 69 tỷ tấn.km, giảm 7,8%;
so với toàn ngành, thị phần đường thủy nội địa chiếm 19% về vận chuyển hàng hóa
và 20,3% về luân chuyển hàng hóa.
Sớm xây dựng chính sách, pháp luật về vận tải, logistics nhằm
hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh COVID-19
Về phía tỉnh Nghệ An, trong thời gian
qua, trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Nghệ
An đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện các quy hoạch, đề án, kế hoạch
phát triển hạ tầng giao thông, phát triển xuất khẩu, thu hút đầu tư... trên địa
bàn tỉnh.
Với hơn 82 km bờ biển, hệ thống cảng biển
Nghệ An đã và đang được đầu tư xây dựng gồm cảng biển chuyên dùng The Visai, cảng
kho xăng dầu DKC, khu bến cảng Cửa Lò. Trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực
thu hút và đôn đốc triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics. Dịch vụ
vận tải đường biển, đường bộ, đường sắt, hàng không đều thuận tiện và ngày càng
phát triển với sự tham gia của nhiều công ty logistics, vận tải... Việc vận tải
hàng hóa của tỉnh chủ yếu được thực hiện theo đường bộ, đường biển.
Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp
hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các cơ quan liên quan nắm bắt
thông tin về thị trường dịch vụ logistics; thực hiện các giải pháp thu hút nguồn
hàng từ nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và
ngược lại. Tỉnh đã tuyên truyền cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu
và thương mại nội địa về việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng
chuyên môn hóa, phân công lao động hợp lý trong chuỗi cung ứng.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đã
tập trung thảo luận vào các giải pháp để thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy
nội địa mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm
năng, thế mạnh của quốc gia cũng như góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao
sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thị trường quốc tế.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT
có kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các chính sách về thuế
thu nhập doanh nghiệp, sớm xây dựng chính sách, pháp luật về vận tải logistics
nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tăng cường
vai trò quản lý Nhà nước, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh; phát triển kết cấu
hạ tầng giao thông trọng yếu, hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu
mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics; tăng
cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ trong tất cả
các lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải… Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục
ưu tiên dành nguồn vắc xin cho các đối tượng tham gia hoạt động vận tải và
logistics.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn
Văn Thể cho biết Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về Quy hoạch kết cấu
hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hi vọng
trong thời gian ngắn nhất Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch. Sau khi
Quy hoạch được phê duyệt, Bộ sẽ giao Cục Đường thủy nội địa tham mưu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch rộng rãi đến người dân.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị trong thời gian tới, cần tăng cường đầu tư nâng cấp và bảo
trì kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, giúp kết nối hiệu quả giữa vận tải đường
thủy nội địa với các cảng biển, từ đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống
phương tiện và cảng, bến hiện đại, trung tâm logistics, cảng cạn có kết nối tốt
với đường thủy, góp phần thúc đẩy xu hướng vận tải container bằng đường thủy,
giúp vận tải đường thủy nội địa tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng
logistics.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát
triển hệ thống cảng theo cụm, kết nối thuận lợi tối đa với đường bộ, cảng cạn,
tạo điều kiện hình thành các cảng đầu mối có quy mô lớn có công nghệ bốc xếp hiện
đại, tiến tới hình thành các Trung tâm logistics đường thủy nội địa và tham gia
vận tải đa phương thức; nghiên cứu phát triển phương tiện thủy nội địa chuyên
dùng, chở container phù hợp với đặc thù kết cấu hạ tầng (luồng tuyến, tĩnh
không cầu…) đường thủy nội địa theo từng khu vực và tuyến vận tải ven biển...
Sau hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GTVT giao các
Cục trực thuộc rà soát lại các kiến nghị, đề xuất của các địa phương để giải
quyết nhanh, kịp thời, kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ,
ngành Trung ương thì trình báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành xem xét.
Kim Oanh