Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030
Tại
Công văn số 5439/UBND-TH ngày 1/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng
Vinh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan
triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu tại Công văn số 3321/BTP-PBGDPL
ngày 17/6/2024 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện Đề án “Nâng cao năng
lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”.
Theo đó, để
triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên
ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”, tại Công văn số 3321/BTP-PBGDPL, Bộ Tư pháp đề
nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm triển khai ban
hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời,
tổ chức giới thiệu, quán triệt, truyền thông về Đề án cho công chức tham mưu
thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên trên địa bàn;
tăng cường truyền thông về gương hòa giải viên giỏi, các mô hình hay, cách làm
hiệu quả bằng hình thức phù hợp.
Cùng với đó,
các địa phương kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện và gửi danh
sách đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh gửi về Bộ Tư pháp (Cục Phổ biến, giáo dục
pháp luật) trước ngày 31/7/2024 để tổng hợp.
Đối với
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành văn bản thực hiện Thông tư
số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán,
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở, cần khẩn trương ban
hành văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện các nội dung chi, mức chi cho công
tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đúng quy định pháp luật.
UBND các
tỉnh thực hiện chỉ đạo điểm; lựa chọn một số đơn vị cấp xã để xây dựng kế hoạch
thực hiện chỉ đạo điểm, trong đó có nội dung xây dựng mô hình “cấp xã điển hình
về hòa giải ở cơ sở”, ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn
có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối với mô
hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”, cách thức xây dựng bao gồm: Đánh
giá tình hình dân số, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, bản sắc
truyền thống, tình hình chấp hành pháp luật, thực trạng và khó khăn, vướng mắc
trong công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương. Rà soát, kiện toàn tổ hòa giải,
hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, bảo đảm mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa
giải. Căn cứ vào kết quả đánh giá tình hình văn hóa, phong tục tập quán, bản
sắc truyền thống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội..., xác định các hoạt
động cụ thể.
Theo Bộ Tư
pháp quy định, mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” được công nhận khi
đáp ứng các điều kiện sau: 100% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn kịp thời,
đảm bảo đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở
cơ sở; 100% hòa giải viên trên địa bàn được tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ
năng hòa giải ở cơ sở ít nhất 02 lần/năm; 100% vụ, việc hòa giải được tiếp
nhận, giải quyết theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; tỷ lệ hòa
giải thành đạt từ 90% trở lên (đối với đơn vị cấp xã không phát sinh vụ, việc
thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì không xác định tỷ lệ này). Trong thời gian
thực hiện điểm, trên địa bàn đơn vị cấp xã không phát sinh vụ việc phức tạp,
không hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự do vụ, việc trước đó thuộc
phạm vi hòa giải ở cơ sở nhưng không được tổ hòa giải (hoặc hòa giải viên) tiếp
nhận để tiến hành hòa giải; 100% tổ hòa giải được hỗ trợ kinh phí và 100% hòa
giải viên được chi thù lao vụ, việc theo mức chi tối đa quy định tại văn bản
của cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh về nội dung chi, mức chi cho công tác hòa
giải ở cơ sở trên địa bàn hoặc mức chi tối đa theo Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày
18/8/2023 của Bộ Tài chính. Có huy động đội ngũ luật sư, luật gia, Hội
thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, báo cáo viên pháp
luật, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở
cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, người đã/đang
công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ cho
công tác hòa giải ở cơ sở; có tập thể hoặc cá nhân được cơ quan có thẩm quyền
từ cấp huyện trở lên tặng Giấy khen hoặc Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng
khác vì có thành tích xuất sắc về triển khai các giải pháp, sáng kiến trong
công tác hòa giải ở cơ sở.
Tại Công văn
này, Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND các tỉnh bố trí nhân sự cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã tham mưu thực hiện Đề án; phân bổ ngân sách hàng năm bảo đảm triển khai
các nhiệm vụ Đề án; định kỳ kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất và
tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện Đề
án gửi về Bộ Tư pháp.
T.H (tổng hợp)