image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch

Luật hộ tịch là đạo luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Luật có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Qua 06 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào nề nếp, cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt.

Thời gian qua, các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt; tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây. Công chức làm công tác hộ tịch cấp xã đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghiệp vụ, luôn nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, nâng cao khả năng, trình độ, nghiệp vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nên công tác giải quyết nhanh chóng, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch góp phần làm giảm đáng kể các vụ việc chậm trễ, sai quy định, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo về hộ tịch.

Luật Hộ tịch năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân và để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Luật hộ tịch ra đời cơ bản đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Luật Hộ tịch năm 2014 đã quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân và kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Các thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa so với trước, như: Giảm nhiều giấy tờ không cần thiết; tăng cường xuất trình bản chính, hạn chế việc yêu cầu người dân chứng thực bản sao; thời hạn giải quyết các việc hộ tịch tương đối ngắn, hầu như chỉ trong ngày làm việc, người dân có quyền lựa chọn đăng ký hộ tịch tại nơi cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú hoặc nơi thực tế sinh sống), theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích,... Việc đăng ký, phát hành, sử dụng các loại sổ, biểu mẫu hộ tịch, việc lưu trữ sổ hộ tịch tại các địa phương được thực hiện theo đúng quy định. Qua xem xét số liệu thống kê các loại việc hộ tịch trên toàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ đăng ký khai sinh chiếm nhiều nhất với 1.140.532 trường hợp, chiếm 58,52%; số lượng việc giải quyết trong các lĩnh vực đăng ký kết hôn và đăng ký khai tử cũng tương đối lớn (đăng ký kết hôn 152.880 cặp, chiếm 13,53%; đăng ký khai tử 128.492 trường hợp, chiếm 11,37%); còn lại các sự kiện hộ tịch khác chiếm tỷ lệ không nhiều.

Về việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, tính từ ngày 01/7/2022, toàn tỉnh đã đăng ký hộ tịch trực tuyến 847 trường hợp. Nghệ An đã triển khai thực hiện liên thông việc đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 01/3/2020. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 138.747 trường hợp. Riêng việc liên thông đăng ký thường trú; liên thông đăng ký khai tử và cấp mai táng phí chưa thực hiện được do các ngành chưa thực hiện kết nối dữ liệu.

Tuy nhiên, hiện nay khối lượng việc hộ tịch của công chức Tư pháp - Hộ tịch ngày càng tăng (kể cả số lượng từng loại việc; số hóa sổ hộ tịch; làm đầu mối liên thông các TTHC, triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến), ngoài ra công chức Tư pháp – Hộ tịch còn phải đảm nhiệm 13 đầu việc khác và thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND cấp xã giao nên rất khó để công chức Tư pháp - Hộ tịch hoàn thành đồng bộ, chất lượng nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, do Ngân sách ở cấp xã hạn hẹp nên chưa đầu tư được một số trang, thiết bị phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến như máy scan, máy photocopy.

Hồ sơ đăng ký hộ tịch có nhiều loại giấy tờ, do đó khối lượng hồ sơ và sổ hộ tịch đưa vào lưu trữ là rất lớn nên gây áp lực cho địa phương trong vấn đề lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; đăng ký hộ tịch liên quan đến công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử… gặp nhiều khó khăn. Khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; số hóa Sổ hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến tại địa phương gặp nhiều khó khăn…

PT (Tổng hợp)

(Nguồn: Báo cáo số 595/BC-UBND của UBND tỉnh về tổng kết 06 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch)

 

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG UBNDTỈNH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn Phòng UBND tỉnh
Trụ sở: Số 03 Đường Trường Thi - Phường Trường Thi - Tp Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383. 844522; Email: vanphong.ubnd@nghean.gov.vn