Nữ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và 13 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, sáng nay (20/10), đồng chí Nguyễn Thị Mai Thương – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh dẫn đầu Đoàn nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng UBND tỉnh đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương, tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc tới những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thị Mai Thương dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Đoàn đại biểu thành kính tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 (có tài liệu ghi ngày sinh của đồng chí là 1/11/1910) tại xã Vịnh Yên, nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
Khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia cách mạng và được tổ chức phân công làm công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở Vinh. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp, trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Nhờ phương pháp tuyên truyền khoa học, vừa mềm dẻo, vừa sâu sát, đồng chí đã vận động nhiều phụ nữ hăng hái tham gia, xây dựng phong trào yêu nước, trở thành những hạt giống đỏ, những đảng viên ưu tú của Đảng. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai còn tham gia tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng tạo ra lực lượng nòng cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Đoàn đại biểu lắng nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
Đầu năm 1937, đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn và bị tra tấn hết sức dã man. Sáng ngày 28/8/1941 (có tài liệu ghi ngày hy sinh của đồng chí là 26/8/1941), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc xử bắn ở Hóc Môn.
Với quá trình hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; học tập và noi gương đồng chí để đem hết sức lực, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai